Ý tưởng làm đẹp cầu đi bộ đầu tiên ở Đà Nẵng
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào năm 1965 nối hai bờ Đông - Tây của Đà Nẵng và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Cầu do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni với mục đích phục vụ cho chiến tranh.
Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu Trần Thị Lý xây dựng xong và khánh thành, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ. Đầu tháng 2/2012, bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu giữ lại cây cầu này để làm cầu đi bộ, tạo điểm dừng chân cho du khách ngắm nhìn thành phố trên sông Hàn.
Mới đây nhà sáng chế Phan Đình Phương (Tổng giám đốc công ty An Sinh Xanh), người có nhiều phát minh được thế giới thừa nhận, cấp bằng độc quyền đã trình bày nhiều ý tưởng thiết kế cho cây cầu này.
Ông Phương đề xuất 13 trụ còn dư bên hông cầu sẽ xây thành các quán dịch vụ, cà phê ngồi ngắm cầu Rồng, trên cầu sẽ hình thành chợ đêm, bán hàng hoá đa dạng, như là điểm mua sắm tiện ích của du khách.
Theo ông Phương, phía dưới cầu sẽ lắp đặt nhiều hệ thống phun nước, đồng thời việc phun nước ở phía cầu Nguyễn Văn Trỗi giáp với cầu Trần Thị Lý sẽ được chiếu tia laze để tạo hiệu ứng ánh sáng. Với hai bên cầu, phía tây, khi Công ty Sông Thu tháo dỡ đi sẽ xây công viên, mở đường Bạch Đằng nối dài tới chân cầu Trần Thị Lý, dưới sông sẽ làm bãi đỗ du thuyền.
Tại buổi làm việc với ông Phương, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đồng ý với ý tưởng phát triển các dịch vụ tại các trụ dư của cầu theo hình thức xã hội hoá, nhưng yêu cầu phải tạo những kiểu dáng kiến trúc đẹp, tô điểm thêm cho cầu không làm mất đi kiến trúc vốn có.
Do là cầu đi bộ, ông Phương cũng trình thiết kế tiểu cảnh, trồng hoa, đặt tượng.
Ngoài ra, có những vòm thép bắc ngang qua cầu để giảm thiểu tác động của thời tiết.
Những điểm phun nước quay kết hợp với ánh sáng sẽ giúp cho cây cầu vốn là biểu tượng của Đà Nẵng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ý tưởng này còn đang gây tranh cãi vì nhiều người lo ngại khi phun nước sẽ làm ảnh hưởng tới người đi trên cầu.
Nguyễn Đông
Ảnh: Phan Đình Phương