Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương với diện tích là 6.673 m vuông
Nếu bạn có dịp đi du lịch Đà Nẵng thì phải tới tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm – một bảo tàng độc đáo không chỉ của thành phố Đà Nẵng,Việt Nam mà còn của cả thế giới – dẫu giữa ngày mưa hay ngày nắng, buổi sáng hay buổi chiều, du khách vẫn nhận ra một không khí rất riêng mà nơi này, do đặc trưng của mình vẫn luôn giữ được: sự trầm lắng của những hoài niệm.
Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương với diện tích là 6.673 m vuông . Tòa nhà được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair. Trong quá trình xây dựng và vận động để đề án được thực hiện có sự đóng góp lớn của chuyên gia khảo cổ Henri Parmentier, của EFEO và là một trong những người đầu tiên có đóng góp quan trọng trong việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Chăm .
Được xây dựng trên một gò đất cao , toàn bộ phía ngoài viện bảo tàng sơn một màu vàng nhìn đơn giản và rất cổ kính ,với một không gian thoáng mát và trong lành ,những hàng cây trồng dọc theo các lối đi , cây cổ thụ làm tăng thêm vẻ cổ kính của bảo tàng , phía ngoài khuôn viện của bảo tàng các mảng đài thờ , tượng đá được xếp đặt rải rác hài hòa với cảnh vật xung quanh , tạo cho người đến tham quan có một cảm giác ngỡ ngàng và hứng thú khi tiếp xúc với những tác phẩm điêu khắc mà thoạt nhìn ta thấy có vẻ bí ẩn và xa lạ .
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng năm 1915 chính thức khánh thành vào năm 1919 là một bảo tàng trưng bày các hiện vật Chăm quy mô và độc đáo nhất Việt Nam chuyên sưu tập , cất giữ và trưng bày các di vật điêu khắc Chăm được tìm thấy ở các tháp , thành lũy Chăm , các vùng tại Đà nẵng , Quảng nam và các tỉnh lân cận Các tác phẩm được trưng bày , lưu giữ tại bảo tàng điêu khắc Chăm là những tác phẩm tượng , đài thờ , phù điêu và vật trang trí , hầu hết là các tác phẩm nguyên bản được làm từ 3 chất liệu chính là Sa Thạch ,đất nung và đồng , phần lớn là sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau được phân theo các gian tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện như Mỹ Sơn ( thế kỷ thứ VII – VIII ) , Đồng Dương ( thế kỷ thứ IX ), Trà Kiệu ( thế kỷ thứ X ) Tháp Mẫm ( thế kỷ thứ XII – XIV ) và các hành lang Quảng Trị , Quảng Nam , Quảng Ngãi , Kon Tum ,Quảng Bình và Bình Định .
Các tác phẩm tiêu biểu của nền nghệ thuật này có một vẻ đẹp kỳ lạ độc đáo , gần gũi thiêng liêng , tinh tế , một thế giới thần linh và kỳ bí .. tất cả đều sống động , chi tiết và một sức hấp dẫn vô cùng mãnh liệt . Đó là phần còn lại của cà một hệ thống tín ngưỡng , một kho tàng văn hóa phong phú .
Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại đây hầu hết đều có một cuộc đời chìm nổi như chính số phận của nền văn hóa rực rỡ đã sản sinh ra nó. Từ trong đổ nát của thời gian, chiến tranh và cả sự quên lãng của con người, những tác phẩm điêu khắc Champa tuyệt vời đã được nhiều thế hệ dày công mang về đây. Và trong chỉnh thể có tính hệ thống này, các công trình của các nghệ nhân Champa xưa lại có được một đời sống mới.
Ngoài tín ngưỡng phồn thực đã từng biết qua, khi bước chân vào thế giới của kiến trúc tinh xảo này, du khách còn bị thuyết phục ngay bởi một biểu tượng khác của văn hóa Chăm: nền nghệ thuật múa rất đặc sắc. Đó là những bức tượng điêu khắc chạm trổ tinh xảo hình ảnh các vũ nữ Chăm múa quạt, vũ nữ Trà Kiệu, tượng Ápsara…
Những điệu múa với kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi ở người con gái sự mềm dẻo của đôi tay, sự vững chãi của đôi chân và cả sự uyển chuyển của thân hình. Qua lời hướng dẫn của các hướng dẫn viên tại bảo tàng du khách sẻ được biết nhiều hơn về sự độc đáo và phong phú của những điệu múa Chăm này
Đến bảo tàng, ta như thấy lại quá khứ vàng son của một dân tộc mà lòng say mê và khả năng sáng tạo nghệ thuật đều ở một trình độ rất cao. Thế giới thần linh kỳ bí, những câu chuyện bằng hình ảnh, các biểu tượng tôn giáo, đường cong thân thể các vũ nữ, những bầu ngực căng tròn, nụ cười phảng phất nét thời gian… tất cả đều sống động, chi tiết và gợi cảm vô cùng.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của văn minh Ấn Độ nhưng người Champa xưa đã biết nhìn đời sống và tôn giáo theo những cảm quan riêng của mình. Sự khúc xạ đó đã tạo ra cho thế giới nghệ thuật của họ một vẻ đẹp rất riêng, gần gũi nhưng lại thiêng liêng, quen thuộc nhưng lại độc đáo, tinh tế, không lẫn lộn.
Dù có nhiểu điểm tham quan để bạn lựa chọn nhưng bạn nên ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đẹp, độc đáo, vượt không gian và thời gian, nối tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới